Xét nghiệm tiền mãn kinh: Đối tượng và những xét nghiệm cần thực hiện
Tiền mãn kinh là thời kỳ mà chị em đều phải trải qua, tuy nhiên có người đến sớm, có người đến muộn. Để quá trình này diễn ra nhẹ nhàng, giảm nguy cơ bệnh tật các chuyên gia khuyến khích chị em nên thực hiện các xét nghiệm nhằm đánh giá, có hướng xử lý kịp thời.
Tại sao cần tiến hành xét nghiệm tiền mãn kinh?
Tiền mãn kinh là một trong những giai đoạn khiến tâm sinh lý, sức khỏe chị em có nhiều thay đổi mà phần lớn là theo hướng tiêu cực. Đa số chị em sẽ gặp phải các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, mất ngủ, dễ cáu gắt, rụng tóc, thay đổi vóc dáng dễ béo phì, sồ sề…
Ngoài ra ở giai đoạn này chị em cũng dễ mắc phải các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, bệnh tim mạch, xương khớp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung…
Chính vì vậy, khi tiến hành xét nghiệm tiền mãn kinh sẽ giúp chị em biết được những chỉ số cần thiết đặc biệt là nồng độ estrogen từ đó có những điều chỉnh, giải quyết và ngăn ngừa các triệu chứng, bệnh lý nguy hiểm.
Đối tượng nên đi xét nghiệm tiền mãn kinh
Chị em sau độ tuổi 30 cơ thể sẽ dần lão hóa, chính vì vậy việc kiểm tra, xét nghiệm sức khỏe sinh lý định kỳ là vô cùng quan trọng. Từ 40-50 hoặc trẻ hơn chị em đều có thể làm xét nghiệm tiền mãn kinh. Cụ thể:
- Chị em có tiền sử phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc 2 buồng trứng.
- Bệnh nhân điều trị ung thư, hóa trị xạ trị.
- Người bị căng thẳng, áp lực, sử dụng đồ uống chứa cồn, chất kích thích thường xuyên
- Chị em gặp vấn đề rối loạn kinh nguyệt, có thay đổi về tâm lý, giấc ngủ
Các xét nghiệm tiền mãn kinh chị em nên làm
Việc kiểm tra, xét nghiệm tiền mãn kinh có thể thực hiện định kỳ các phương pháp gồm:
Xét nghiệm định lượng Estrogen máu
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng dần suy giảm chức năng, nồng độ estrogen từ đó cũng suy giảm. Rối loạn hay thiếu hụt estrogen chính là nguyên nhân gây các triệu chứng tiền mãn kinh. Do đó xét nghiệm này sẽ được các bác sĩ chỉ định.
Nếu nồng độ trong máu thấp, bệnh nhân mệt mỏi với các triệu chứng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp hormone thay thế, phương pháp bổ sung phù hợp.
Định lượng Progesteron máu
Đây cũng là hormone quan trọng với nữ giới tạo sự ổn định cho chu kỳ kinh nguyệt, quá trình thụ thai, bảo vệ thai kỳ… Loại hormone này thường giảm từ khi chị em bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Định lượng FSH, LH máu
FSH và LH là hormon của hệ thần kinh trung ương đóng vai trò điều hòa estrogen và progesterone. Khi nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng, quá trình tiết FSH và LH sẽ giảm và ngược lại.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, do estrogen, progesterone giảm thấp, các tín hiệu sẽ được gửi lên tuyến yên nhằm kích hoạt tiết FSH và LH. Nhưng bởi khả năng đáp ứng của cơ quan sinh dục nữ không còn nên quá trình xét nghiệm FSH, LH sẽ luôn ở mức rất cao trong máu.
Phết phiến đồ âm đạo
Niêm mạc âm đạo khi quan sát bằng kính hiển vi sẽ là lớp biểu mô hình trụ, giúp âm đạo ẩm ướt. Bước sang giai đoạn tiền mãn kinh, lớp biểu mô này sẽ dần mất đi cấu trúc vốn có, từ hình trụ lớp mô này sẽ dẹt, teo lại ảnh hưởng đến khả năng bài tiết dịch gây hiện tượng khô âm đạo, đau rát khi quan hệ.
Thông qua xét nghiệm này cũng giúp bác sĩ đánh giá rối loạn nội tiết và lên phương án bổ sung khi cần thiết. Bên cạnh đó còn giúp sàng lọc ung thư.
Các kiểm tra, xét nghiệm khác:
- Xét nghiệm lipid máu
- Kiểm tra bệnh tiểu đường
- Kiểm tra huyết áp
- Đo mật độ xương
- Xét nghiệm ung thư cổ tử cung
- Kiểm tra tuyến giáp
- Chụp X-quang vú
…
Trên đây là thông tin về xét nghiệm tiền mãn kinh, chị em nếu muốn sức khỏe ổn định, giữ dáng, đẹp da ngăn ngừa bệnh tật nguy hiểm hãy chủ động tới các cơ sở chuyên khoa thực hiện các kiểm tra cần thiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!